Hiểu rõ về xây dựng nông thôn mới

Hiểu rõ về xây dựng nông thôn mới

Xây dựng nông thôn mới là công việc đòi hỏi nguồn lực sức người, sức của rất lớn, vì vậy về giải pháp thực hiện, hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên, các đoàn viên, hội viên và nhân dân cần nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, hiểu rõ chính sách, làm đúng chính sách, nắm được nội dung, tiêu chí và kết quả thiết thực mang lại, tập trung tuyên truyền, vận động sao cho từng người dân, hộ dân hiểu được rồi đồng lòng cùng thực hiện.

Ngày 30/9/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương đã phát động phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020; đây là một chủ trương quan trọng, một chương trình lớn nhằm tiếp tục thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW ngày 5/8/2008 Hội nghị lần thứ 7 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; tạo cơ sở, nền tảng để tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và phát triển nông nghiệp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII của Đảng.

 Thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” trong giai đoạn 2016-2020, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tiếp tục chủ động thực hiện hưởng ứng phong trào thi đua có ý nghĩa chiến lược này trong giai đoạn mới.

 Để phong trào tiếp tục thấm sâu vào cuộc sống và mang lại hiệu quả thiết thực hơn nữa, MTTQ Việt Nam các cấp sẽ tập trung làm sâu sắc hơn tinh thần đồng thuận, thống nhất chương trình phối hợp hành động, triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung cụ thể thông qua Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát động tháng 11/2015 với 05 nội dung thể hiện trên các mặt: Đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng.

 Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát triển nguồn nhân lực, chăm sóc sức khỏe nhân dân; xây dựng gia đình văn hóa; phát huy truyền thống đền ơn, đáp nghĩa, tương thân, tương ái.

Đoàn kết tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng  cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp.

Đoàn kết chấp hành pháp luật, bảo đảm trật tự an toàn xã hội.

Đoàn kết phát huy dân chủ, tích cực tham gia giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch vững mạnh. Thực hiện 5 nội dung trên đây của Cuộc vận động, MTTQ Việt Nam các cấp đã trực tiếp vận động thực hiện 15/19 tiêu chí; gián tiếp thực hiện 4 tiêu chí còn lại là: tiêu chí số 4, 5, 7, 8 về điện, trường học, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin và truyền thông. 

Xây dựng nông thôn mới là công việc đòi hỏi nguồn lực sức người, sức của rất lớn, vì vậy về giải pháp thực hiện, hệ thống Mặt trận các cấp và các tổ chức thành viên, các đoàn viên, hội viên và nhân dân cần nhận thức sâu sắc về vị trí, tầm quan trọng của việc xây dựng nông thôn mới, hiểu rõ chính sách, làm đúng chính sách, nắm được nội dung, tiêu chí và kết quả thiết thực mang lại, tập trung tuyên truyền, vận động sao cho từng người dân, hộ dân hiểu được rồi đồng lòng cùng nhau thực hiện.

 Tuyên truyền, vận động để mỗi gia đình tự xây dựng, nâng cấp nhà ở, bố trí lại các công trình hợp vệ sinh, cải tạo lại vườn, ao…để đảm bảo vệ sinh môi trường, cảnh quan đẹp hơn; liên kết, liên doanh, đầu tư cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ để có thu nhập cao hơn. Phát huy dân chủ, nhân dân bàn bạc trên cơ sở đó tự nguyện góp công, góp sức để xây dựng kết cấu hạ tầng, làm đường giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng, nhà ở, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng ở khu dân cư.

Một chủ trương lớn luôn cần sự đóng góp không nhỏ của quần chúng nhân dân, trong đó có vấn đề phát huy quyền làm chủ trong giám sát và phản biện xã hội; phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở.

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư cộng đồng đạt hiệu quả. MTTQ và các đoàn thể nhân dân hướng dẫn, tổ chức cho nhân dân phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện xã hội trong việc quy hoạch, thực hiện các chương trình, dự án, xây dựng cơ sở hạ tầng; kịp thời phản ánh những ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đề xuất với Chính phủ, các cấp, các ngành xây dựng cơ chế, chính sách, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho địa phương, cơ sở tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả chương trình này. Tới đây, MTTQ các cấp có thể sẽ chủ trì, hướng dẫn, triển khai, tổng hợp đánh giá mức độ hài lòng của người dân trong xây dựng nông thôn mới qua phiếu hỏi ý kiến nhân dân.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vừa tổ chức chương trình phối hợp hành động, vừa cổ vũ sự sáng tạo các hình thức thi đua của các tổ chức thành viên trong Mặt trận, của các tổ chức và cá nhân một cách rộng rãi trong toàn xã hội để tổ chức thực hiện phong trào này.

 Mặt trận đề xuất việc quy tụ các lực lượng trên cùng địa bàn cụ thể để các bên cùng nhau cam kết, cùng nhau thực hiện, chung sức xây dựng nông thôn mới một cách thiết thực; làm phong phú thêm, sâu rộng thêm các phong trào, các cuộc vận động hướng vào nông thôn, như: phong trào:“Lao động giỏi”, “Lao động sáng tạo” của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam; phong trào: “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân Việt Nam; phong trào "Thi đua, tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;  phong trào“Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” “Phong trào 5 không, 3 sạch” của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; phong trào“Nêu gương sáng, hiến công, hiến kế vì quê hương đất nước” của Hội Cựu chiến binh Việt Nam; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng cuộc sống mới ở khu dân cư, sống tốt đời - đẹp đạo” của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; phong trào “Xây dựng chùa cảnh tinh tiến và tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện” của Giáo hội Phật giáo Việt Nam; phong trào: “Xây dựng xã hội học tập” của Hội Khuyến học Việt Nam; phong trào: “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” của Hội Chữ Thập đỏ Việt Nam; phong trào: “Vì nạn nhân chất độc da cam Việt Nam” của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin và nhiều phong trào, cuộc vận động khác.

Trên cơ sở hiệp thương, phân công giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên Mặt trận ở Trung ương, các địa phương vận dụng theo hướng: MTTQ chủ trì phát động Cuộc vận động; phân công theo dõi, tổng hợp, đánh giá kết quả thực hiện; tập hợp ý kiến của nhân dân đề xuất với Đảng, Nhà nước về chủ trương, cơ chế, chính sách thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thống nhất phân công mỗi tổ chức đảm nhận những phần việc cụ thể và chỉ đạo, hướng dẫn, triển khai trong hệ thống tổ chức mình gắn với triển khai các cuộc vận động, phong trào của từng tổ chức để đảm nhận những nội dung của cuộc vận động một cách phù hợp như: Hội Nông dân, chủ trì nội dung giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, phối hợp với Liên minh các Hợp tác xã xây dựng các mô hình về liên kết sản xuất; mô hình hợp tác xã kiểu mới.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, theo dõi các hoạt động bảo vệ môi trường; Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; giữ gìn an ninh trật tự, chấp hành quy định về an toàn giao thông.

Hội Phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc; giữ gìn bản sắc văn hóa; chăm sóc sức khỏe nhân dân; vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hội Cựu chiến binh, tuyên truyền, giáo dục pháp luật, truyền thống quê hương, đất nước.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chú trọng triển khai Cuộc vận động tại các địa phương, khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất. Hội Khuyến học theo dõi Phong trào khuyến học, khuyến tài. Liên minh các Hợp tác xã xây dựng các mô hình về liên kết sản xuất; mô hình hợp tác xã kiểu mới…

Thực hiện mỗi xã, phường, thị trấn có ít nhất 1 mô hình về thực hiện các nội dung của Cuộc vận động như: Giúp nhau phát triển kinh tế; Đảm bảo môi trường; Giữ gìn trật tự trị an; Xây dựng gia đình hạnh phúc; Phòng chống bạo lực gia đình; Chăm sóc bảo vệ trẻ em; Xây dựng đô thị văn minh. Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên ở xã, phường hiệp thương thống nhất việc vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các gia đình cụ thể ở các khu dân cư để không có hộ nghèo nào không được một tổ chức chính trị - xã hội hỗ trợ, tư vấn để thoát nghèo bền vững.

Đề cao tính chủ động, sáng tạo của tỉnh, thành phố, trên cơ sở thực tế của địa phương, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố phối hợp với Ủy ban nhân cùng cấp đề ra nội dung, giải pháp thực hiện Cuộc vận động theo hướng: Xác định nội dung trọng tâm, mục tiêu cụ thể thực hiện về những vấn đề nhân dân đang quan tâm nhất, phù hợp với địa phương, cơ sở để có thể định lượng được kết quả sau từng năm và tổng hợp được kết quả khi tiến sơ kết, tổng kết.

Tổ chức hiệp thương thống nhất, vận động các tổ chức, cá nhân để tất cả các trường hợp đặc biệt khó khăn, hoạn nạn trong cuộc sống đều có tổ chức, cá nhân nhận đỡ đầu, giúp đỡ.  

Các tỉnh, thành phố, cùng với việc tập huấn, triển khai cuộc vận động, chọn điểm chỉ đạo, xây dựng mô hình để rút kinh nghiệm, có giải pháp phù hợp với địa phương. Quan tâm nhiều hơn công tác truyền thông, tuyên truyền, giới thiệu các gương điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu ở cơ sở trên các phương tiện tin tuyên truyền; trước hết là của cơ quan, đơn vị tổ chức mình.

Thực tế đã chứng minh, ở đâu có sự quan tâm lãnh đạo sâu sát của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, sự tham gia tích cực của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên trong Mặt trận và đặc biệt có sự đồng thuận hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân thì nhất định ở đó các phong trào thi đua, các cuộc vận động sẽ mang lại kết quả thiết thực.

 Chúng ta tin tưởng rằng, phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, thực hiện được mục tiêu của Chương trình nông thôn mới đã đề ra là: nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ; gắn phát triển nông thôn với đô thị; xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; môi trường sinh thái được bảo vệ; quốc phòng và an ninh, trật tự được giữ vững, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

 

Tác giả bài viết: Nguyễn Anh Tuấn (cập nhập)

Nguồn tin: baotintuc.vn

Đừng bỏ lỡ

LIÊN KẾT WEBSITE

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG

BẢN ĐỒ HƯNG YÊN

THỐNG KÊ TRUY CẬP

Đang truy cập: 5

Hôm nay: 2959

Tổng lượt truy cập : 4960992

VĂN PHÒNG ĐIỀU PHỐI CHƯƠNG TRÌNH NÔNG THÔN MỚI HƯNG YÊN

Địa chỉ: Số 01 Đường Nguyễn Lương Bằng - P. Hiến Nam - TP. Hưng Yên - Tỉnh Hưng Yên

Số điện thoại: 02213.3512388/ 02213.3511068