Ngày 24.12, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1820/QĐ-TTg về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (đợt 9), năm 2018. Theo đó, đợt này, toàn quốc có 11 di tích, cụm di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, trong đó tỉnh Hưng Yên có di tích kiến trúc nghệ thuật Chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng (Văn Lâm).
Chùa Thái Lạc thờ Phật và thần Pháp Vân, có tên gọi là Pháp Vân Tự. Chùa được xây dựng từ thời Trần (1225-1400) với kiến trúc kiểu "nội công ngoại quốc", gồm tiền đường năm gian, ba gian thượng điện, hai dãy hành lang mỗi bên chín gian, nhà tổ bảy gian. Hiện Chùa Thái Lạc còn lưu giữ được nhiều di vật quý giá, đó là 20 bức phù điêu gỗ thời Trần, thượng điện chùa là một trong những công trình gỗ cổ nhất Việt Nam, có từ thế kỷ XIV. Ngoài ra, Chùa Thái Lạc còn có 3 bia đá (thế kỷ XVI - XVII), chuông đồng (thời Nguyễn), gạch cổ (thời Mạc), tượng thần Pháp Vân (thế kỷ XVII); tượng Phật. Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hưng Yên có 2 di tích quốc gia đặc biệt gồm: Di tích kiến trúc nghệ thuật chùa Thái Lạc và Khu di tích quốc gia đặc biệt Phố Hiến.
* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1821/QĐ-TTg về việc công nhận bảo vật quốc gia (đợt 7), năm 2018. Theo đó, đợt này toàn quốc có 22 hiện vật, nhóm hiện vật được công nhận là bảo vật quốc gia, trong đó tỉnh Hưng Yên có tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn tại Chùa Mễ Sở, xã Mễ Sở (Văn Giang). Đây là hiện vật đầu tiên của tỉnh được công nhận bảo vật quốc gia.
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nongthonmoihungyen.vn là vi phạm bản quyền